CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH DO VI RÚT ADENO
Vi rút Adeno là tác nhân có khả năng gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể con người như đường hô hấp, tiêu hóa, mắt hay viêm màng não… bệnh thường gặp quanh năm, ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ nhiễm cao do có sức đề kháng kém. Hiện nay, số ca bệnh do vi rút Adeno đang gia tăng đột biến. Từ đầu năm 2022 đến ngày 22/9, tại Việt Nam đã phát hiện 1.406 trường hợp mắc bệnh và đã có 07 ca tử vong. Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Adeno gây ra, không để dịch lan rộng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, mọi người cần hiểu rõ về đường lây truyền bệnh, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp để phòng tránh, cụ thể như sau:
Đường lây truyền của vi rút Adeno:
Bệnh do vi rút Adeno lây truyền qua các giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người và có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc tiếp xúc với nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi, phân của người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm vi rút Adeno.
Biểu hiện nhiễm vi rút Adeno:
Người nhiễm vi rút Adeno thường có các biểu hiện như: Sốt, ho, khò khè, sổ mũi, viêm họng, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.
Làm gì để phòng tránh bệnh do vi rút Adeno hiệu quả?
Vi rút Adeno rất dễ lây lan trong cộng đồng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em. Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh mà thường là điều trị triệu chứng. Vì vậy, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không sử dụng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người khác. Vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và các vắc xin phòng bệnh lây qua đường hô hấp như: COVID-19, Cúm,…
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng giúp phòng ngừa bệnh.
- Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm vi rút, người dân cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
- Hướng dẫn tiếp nhận người từ TP.HCM về các địa phương (10.07.2021)
- Danh sách các điểm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh. (06.07.2021)
- Chính thức cách ly toàn xã hội do COVID-19 từ ngày 01/4/2020 (01.04.2020)
- Tạm dừng hoạt động taxi, xe buýt trên cả nước từ 01/4/2020 (01.04.2020)
- Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về việc công bố dịch COVID-19 (01.04.2020)
- Hướng dẫn cách đeo khẩu trang để phòng chống bệnh COVID-19 (01.04.2020)
- Thủ tướng gửi thư động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế (01.04.2020)
- Triển khai Buồng khám sàng lọc cấp cứu (05.07.2021)
- Người dân cần cảnh giác với lừa đảo tiêm vắc xin COVID-19 (17.06.2021)
- Khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5 (29.04.2021)