TỬ VONG DO ĂN CÁ NÓC
Vào lúc 13 giờ 02 phút, ngày 17/10/2024, tại Khoa Hồi sức cấp cứu – Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc tiếp nhận bệnh nhân P.T.Q (61 tuổi) trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn, da tím tái, niêm mạc nhợt, tay chân lạnh, đồng tử dãn và mất hết các phản xạ. Khai thác thông tin từ người nhà cung cấp, sau khi người bệnh ăn cá nóc thì xuất hiện các triệu chứng mệt, nôn ói, bất tỉnh.
Sau 08 phút tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực, huyết áp bệnh nhân đã đo được trở lại, nhịp tim nhanh, bắt được mạch quay, da niêm mạc hồng nhạt. Tuy nhiên, tình trạng người bệnh vẫn rất nguy kịch, các y bác sỹ tiếp tục tiến hành hồi sức cấp cứu và chuyển tuyến trên. Theo phản hồi từ tuyến trên, người bệnh đã tử vong vào ngày hôm sau.
Thông tin từ Viện nghiên cứu Hải sản cho biết, biển Việt Nam có khoảng 67 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ. Mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10.
Cá nóc thường dễ nhận biết, thân ngắn từ 4-20cm, chắc, thường có nhiều màu sắc khác nhau, da cứng cáp, vẩy ngắn. Đầu cá to, mắt lồi, không có vẩy lưng và bụng, nhưng lởm chởm đầy gai, bụng cá thường to tự phình lên như quả bóng, nằm ngửa tự trôi theo dòng nước. Tuy nhiên khi phơi khô các nóc lẫn lộn với các loài cá khác cùng kích thước thì rất khó nhận biết.
Độc tố có trong cá nóc có tên là Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (Buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7). Độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng.
Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1000 lần so với Cyanua. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100°C trong 6 giờ độc tố Tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi đun sôi ở 200°C trong 10 phút. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường, độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.
Triệu chứng khi trúng độc cá nóc: người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ủng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỉ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.
Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc cá nóc là không ăn cá Nóc. Khi ăn phải cá nghi là cá Nóc (có dấu hiệu tê môi, tê bàn tay) gây nôn và uống thuốc giải độc ngay (than hoạt và sorbitol) đồng thời phải đến ngay bệnh viện - Khoa hồi sức cấp cứu, chống độc để xử trí. Người đi biển đánh cá, mỗi gia đình nên có một túi cấp cứu bao gồm: than hoạt nhũ, canun Mayo hai chiều. Không được phơi khô cá Nóc làm cá thường, không làm chả cá nóc, bột cá nóc để bán.
T3G TTYT Xuyên Mộc
Hình ảnh 1 số loại cá nóc
- 6 biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng (13.06.2023)
- Cấp cứu kịp thời một trường hợp choáng nặng do vỡ thai ngoài tử cung (01.06.2023)
- Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc tổ chức hoạt động thể dục thể thao Chào mừng kỉ niệm (04.05.2023)
- Tiếp tục thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y Tế về phòng, chống dịch COVID-19 (04.05.2023)
- Khuyến cáo phòng chống dịch MARBURG (06.08.2012)
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh, số 15/2023/QH15 (17.06.2012)
- Đăng ký chương trình phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch Miễn Phí 2022 (08.06.2012)
- Quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục mới nhất rất cần biết (04.06.2012)
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 (10.05.2012)
- Bạn có biết ? (13.04.2012)